Như Thanh: Bước khởi động ban đầu trong chương trình xây dựng nông thôn mới

Đăng ngày 04 - 05 - 2011
100%

(THO) - Xác định chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) là cuộc vận động xã hội sâu sắc và toàn diện được thực hiện theo phương châm “dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”, dựa trên cơ sở các quy hoạch, kế hoạch, quy chuẩn để bảo đảm yêu cầu phát triển lâu dài và bền vững; khai thác tối đa tiềm năng đất đai, lao động sẵn có ở nông thôn và huy động có hiệu quả nguồn vốn đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài địa bàn..., Huyện ủy Như Thanh đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/H.U về việc xây dựng NTM, là cơ sở để các địa phương thực hiện. Ngoài Xuân Du được chọn là xã điểm của tỉnh, Như Thanh đã xây dựng quy hoạch NTM cho 7/16 xã, trong đó có 2 xã Yên Thọ và Phú Nhuận được chọn là xã điểm của huyện.

Cùng với thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương, của tỉnh, huyện về xây dựng NTM,  tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân... để mọi người tự giác, tích cực tham gia và vận động người khác tham gia. Tổ chức rà soát lại thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn từng xã để xây dựng phê duyệt đề án, các quy hoạch xây dựng NTM đối với từng xã. Ban chỉ đạo các xã đã tổ chức các cuộc họp dân, xin ý kiến quy hoạch xây dựng NTM. Công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng hành lang giao thông cũng đang được các xã tiến hành đồng bộ... Huyện Như Thanh phấn đấu, tháng 12-2011, 100% xã trên địa bàn huyện hoàn thành quy hoạch NTM; năm 2012 hoàn thành các tiêu chí NTM tại xã điểm do tỉnh chỉ đạo, năm 2015 hoàn thành các tiêu chí NTM tại 2 xã điểm do huyện chỉ đạo và đến 2015 có 3 xã đạt tiêu chí NTM và 6 xã xây dựng 50% tiêu chí đạt NTM...
 
    Được hưởng lợi từ các chương trình, dự án của Chính phủ như 30a, 135 nên việc xây dựng NTM ở Như Thanh đang có những thuận lợi mà không phải nơi nào, vùng nào cũng có được. Xã Mậu Lâm là một ví dụ. Với diện tích tự nhiên hơn 4.200 ha (trong đó có 831,5 ha đất nông nghiệp và hơn 2.000 ha đất rừng), tỷ lệ đồng bào các dân tộc thiểu số gần 1.000 hộ (chiếm 50%), sản xuất chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt; thu nhập bình quân đầu người hàng năm mới đạt 5 triệu đồng..., nhưng theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, hiện xã đã đạt 6/19 tiêu chí NTM, gồm: giáo dục, tuyến giao thông liên xã, đội ngũ cán bộ, hình thức tổ chức sản xuất, hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh và diện tích khu văn hóa, điều mà không phải xã miền xuôi nào cũng đạt được. Đồng chí Lê Hữu Hòa, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Triển khai kế hoạch xây dựng NTM, Đảng ủy, UBND xã tổ chức các buổi họp dân ở từng thôn, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Sau đó, ban chỉ đạo NTM cấp xã tổng hợp ý kiến làm cơ sở xây dựng dự án đi đôi với công tác tuyên truyền để người dân hiểu, tự giác tham gia. Chỉ trong một thời gian ngắn, xã đã vận động 40 hộ dân thuộc 4 thôn Đồng Mộc, Liên Minh, Tâm Tiến, Đồng Tiến hiến đất, mở rộng hơn 3 km đường giao thông từ Đồng Mộc đi đập Mậu Lâm và vận động nhân dân tham gia giải phóng toàn bộ hành lang giao thông tuyến liên thôn, nội thôn vào mùa khô”. Tuy nhiên, Mậu Lâm cũng đang gặp không ít khó khăn trong xây dựng NTM. Cụ thể: diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã chủ yếu là ruộng bậc thang nhỏ hẹp, rất khó trong việc đổi điền, dồn thửa và quy hoạch thành các vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm. Ngoài ra, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt... nên việc huy động sức dân đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn của xã rất hạn chế. Mặt khác, do trình độ dân trí thấp, khả năng hiểu biết về quy hoạch tổng thể của người dân hạn chế nên việc tham gia góp ý, bổ sung để hoàn thiện đề án xây dựng NTM rất ít, gây nhiều lúng túng cho việc thực hiện sau này. Bên cạnh đó, tỷ lệ bê tông hóa đường liên thôn, kênh mương nội đồng,  tỷ lệ lao động – việc làm... chưa đáp ứng yêu cầu, vì vậy, việc phấn đấu để đạt được 13 tiêu chí còn lại là điều rất khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của chính quyền và người dân nơi đây.
 
    Ở Xuân Du (xã điểm của tỉnh), khó khăn  nhất trong triển khai xây dựng NTM là nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất và phần vốn đối ứng của người dân. Cũng như nhiều xã miền núi khác, nguồn ngân sách của xã Xuân Du chủ yếu dựa vào trợ cấp từ ngân sách Nhà nước kết hợp với các chương trình, dự án trong xây dựng (thu theo tỷ lệ), bởi vậy xã mới quan tâm đầu tư một phần cơ sở hạ tầng, trường học, trạm y tế. Việc huy động nguồn lực đóng góp từ người dân gặp không ít khó khăn do thu nhập bình quân thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao (chiếm 16,9%) và số hộ thuộc diện chính sách khác trong xã cũng tương đối nhiều. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất của xã còn thiếu, yếu; sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp khiến các doanh nghiệp chưa nhìn thấy cơ hội đầu tư... vì vậy khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào xã. Trên địa bàn xã đã có 7/19 tiêu chí đạt chuẩn như: bưu điện, văn hóa, nhà ở dân cư, y tế, an ninh, trật tự xã hội, hình thức tổ chức sản xuất... vẫn còn 12 tiêu chí chưa đạt được như giao thông, thủy lợi, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động...
 
    Nếu so sánh với các tiêu chí xây dựng NTM được quy định tại Quyết định 491/QĐ-TTg của Chính phủ thì các  chỉ tiêu mà hầu hết các xã trên địa bàn đã đạt (hoặc gần đạt), đều là các tiêu chí được Nhà nước “đầu tư” 100%, đó là: các tiêu chí về sử dụng điện, số lượng bưu điện triển khai đến các trung tâm xã, hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; hệ thống chính trị tương đối ổn định và hoạt động có hiệu quả. Một số chỉ tiêu đạt thấp, cần đầu tư tương đối toàn diện trong thời gian tới, đó là: quy hoạch; hạ tầng giao thông (hệ thống đường trục xã và liên xã mới cứng hóa được 46,14%, đường trục thôn xóm mới cứng hóa được 4,6%, đường nội đồng chưa được cứng hóa);  chợ nông thôn, nhà văn hóa cấp xã và thôn, tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương;  đặc biệt là lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao (90,5%). Qua tính toán sơ bộ, tổng vốn đầu tư cho chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện là 3.120 tỷ đồng (bình quân mỗi xã 195 tỷ đồng), trong đó vốn ngân sách chiếm tỷ lệ 40%; vốn tín dụng chiếm  30%; vốn từ doanh nghiệp và HTX chiếm tỷ lệ 20%; vốn huy động trực tiếp từ cộng đồng dân cư nông thôn chiếm 10%. Yêu cầu nguồn lực cho xây dựng NTM là rất lớn. Vì vậy, để xây dựng thành công mô hình NTM, huyện cần tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các hoạt động văn hóa - xã hội và xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội trong nông thôn, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học -  công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn và phát huy vai trò của các chủ thể xây dựng NTM trong việc tổ chức triển khai thực hiện...
 
    Xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện thành công chủ trương lớn ấy phụ thuộc vào sự nỗ lực vươn lên của người nông dân – đối tượng chính hưởng lợi, chủ thể của NTM và sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. 

<

Tin mới nhất

Những tác động tích cực từ các hoạt động ngoại khóa ở Trường THPT Bá Thước(05/05/2011 1:56 CH)

Mang cơ hội học tập cho học sinh nghèo vùng khó(04/05/2011 1:56 CH)

Như Thanh: Bước khởi động ban đầu trong chương trình xây dựng nông thôn mới(04/05/2011 1:56 CH)

2311 người đang online
°